Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Giúp nông dân tiếp cận với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 06-02-2023 07:43:59
Lượt xem:

Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng tất yếu, góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, Hội Nông dân Sơn La đã và đang tích cực giúp hội viên từng bước tiếp cận với quya trình chuyển đổi số. Với những bước đi chắc chắn; tiếp thu các yếu tố kỹ thuật có liên quan; phát huy tối đa hiệu quả của chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động thông qua thiết bị điều khiển từ xa trong các khâu sản xuất. Người nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Với những ưu điểm như vậy, từ năm 2020 đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số. Tập trung ở một số lĩnh vực như: Ứng dụng các công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc; đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử…

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân Sơn La, chia sẻ: Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong toàn bộ hoạt động. Bởi vậy, cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống chuyển sang hướng hiện đại và thông minh. Do đó, Hội đã chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng và khả năng ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp cho cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó, giúp họ sử dụng thành thạo các công cụ, phần mềm trực tuyến để tiếp cận với chuyển đổi số.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức gần 100 đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân các cấp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân từng bước tiếp cận, làm quen với các sàn thương mại điện tử; chào bán và kết nối vận chuyển nông sản đến với người tiêu dùng. Sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã có trên 19.500 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn. Hỗ trợ 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn Postmart.vn.  Xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm…

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang tập trung vào 3 nhóm lĩnh vực chính trong chuyển đổi số. Đó là: Áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp; liên kết chuỗi giá trị; thay đổi phương thức quản lý. Đồng thời, khai thác lợi thế về nông nghiệp, hình thức sản xuất theo 3 nhóm chính, gồm hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, tham gia trực tiếp vào chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh.

Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, cho hay: Đến nay, toàn huyện có khoảng 1.297 hội viên nông dân tham gia sàn thương mại điện tử. Trong đó, có 1.287 tài khoản mua hàng và 10 tài khoản bán hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian khảo sát, chúng tôi nhận thấy, kỹ năng của các hội viên trong việc quảng bá, chào hàng còn khá hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản đề nghị là cấp trên xem xét tổ chức thêm các đợt tập huấn, hướng dẫn cho hội viên nâng cao trình độ, kỹ năng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Gia đình hội viên nông dân Hoàng Văn Chất, Chi hội nông dân bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đã tiết kiệm đáng kể sức lao động. Chia sẻ về việc này, ông Chất cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 4 ha trồng các loại cam vinh, cam canh và cam cara. Tôi đã tham gia thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là áp dụng cách thức quản lý bằng hệ thống máy tính cho việc tưới tiêu và bón phân cho cây. Trước đây, phải mất khá nhiều công lao động để bón phân và tưới nước cho 4 ha cam, nhưng nay rút ngắn chỉ mất gần 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, việc theo dõi liều lượng phân bón, lượng nước được sử dụng hàng ngày đều được cập nhật trên hệ thống. Vì vậy, rất thuận lợi cho việc điều chỉnh liều lượng phân và nước phù hợp, giúp cây phát triển tốt, năng suất cam đạt 10 tấn quả/ha/vụ.

Mặc dù quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng với cách làm cụ thể, những bước đi vững chắc, tin rằng việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp sẽ lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực hiện đại hóa nền nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, giúp hội viên nông dân từng bước hội nhập với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững.

Khải Hoàn