Đường dây nóng: 02123.852.033
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:
Không có video - Upload lại link

Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam

Cập nhật: 28-03-2024 15:48:46
Lượt xem:

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội Nông dân Việt Nam tiền thân là Nông hội đỏ, thành lập ngày 14 tháng 10 năm 1930, trải qua các thời kỳ cách mạng luôn trung thành với Đảng và dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

Phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng, lao động sáng tạo, cần kiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết của nông dân; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng văn hoá, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HỘI

Điều 1:  Chức năng

1. Tập hợp, vận động, giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt.

2. Đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Điều 2: Nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội. Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân.

2. Vận động, tập hợp, làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới.

3. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân. Trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường.

4. Đoàn kết, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

5. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy chế; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân với Đảng và Nhà nước; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

6. Mở rộng hoạt động đối ngoại theo quan điểm, đường lối của Đảng, tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, quảng bá hàng hoá nông sản, văn hoá Việt Nam với tổ chức nông dân, tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong khu vực và trên thế giới.

 

Chương II

HỘI VIÊN

Điều 3: Đối tượng và điều kiện trở thành hội viên

1. Nông dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo và lao động khác trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên nếu tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện tham gia tổ chức Hội, được ban chấp hành cơ sở Hội đồng ý thì kết nạp vào Hội.

2. Uỷ viên ban chấp hành từ cơ sở trở lên đương nhiên là hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

Điều 4: Nhiệm vụ của hội viên

1. Chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Hội, sinh hoạt và đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội.

2. Gương mẫu và tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; gia đình văn hoá; thực hiện nghĩa vụ công dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tuyên truyền, vận động phát triển hội viên; tham gia các hoạt động và phong trào nông dân ở địa phương, xây dựng quỹ hoạt động Hội.

Điều 5: Quyền lợi của hội viên

1. Được dân chủ thảo luận và biểu quyết những công việc của Hội; phê bình chất vấn tổ chức và cán bộ Hội; đề đạt với tổ chức Hội và thông qua tổ chức Hội đề xuất với Đảng, Nhà nước về nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của mình.

2. Được Hội hướng dẫn, giúp đỡ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

3. Được ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.

Chương III

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC

VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN LÃNH ĐẠO HỘI

Điều 6: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội được bầu cử trực tiếp bằng phiếu kín.

Điều 7: Hệ thống tổ chức của Hội

Hội Nông dân Việt Nam gồm bốn cấp:

- Trung ương;

- Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

- Cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh);

- Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và tương đương).

Điều 8: Đại hội Hội Nông dân các cấp

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Nông dân Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp là đại hội cấp đó.

1. Số lượng và cơ cấu đại biểu đại hội cấp nào do ban chấp hành cấp trên trực tiếp hướng dẫn và do ban chấp hành cấp đó quyết định. Đại hội chỉ hợp lệ khi có mặt hai phần ba (2/3) tổng số hội viên (nếu là đại hội toàn thể hội viên) hoặc hai phần ba (2/3) tổng số đại biểu được triệu tập trở lên (nếu là đại hội đại biểu).

2. Đại biểu chính thức của đại hội gồm: Uỷ viên ban chấp hành đương nhiệm của cấp đó, đại biểu do đại hội cấp dưới bầu lên, đại biểu do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội chỉ định. Số đại biểu chỉ định không quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu được triệu tập.

3. Đại hội các cấp có nhiệm vụ: thảo luận và thông qua báo cáo của ban chấp hành nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới; đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội cấp trên; bầu ban chấp hành khoá mới và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Đại hội đại biểu toàn quốc có nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội.

4. Nhiệm kỳ Đại hội các cấp là 5 năm. Trường hợp đặc biệt, đại hội nhiệm kỳ có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định, nhưng không quá một năm và phải được Hội cấp trên trực tiếp đồng ý bằng văn bản.

Điều 9: Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp

1. Số lượng và cơ cấu ban chấp hành cấp nào do ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp hướng dẫn và do đại hội cấp đó quyết định. Trong nhiệm kỳ, nếu số lượng uỷ viên ban chấp hành khuyết thì hội nghị ban chấp hành hoặc hội nghị đại biểu bầu bổ sung. Số uỷ viên ban chấp hành được bầu cử bổ sung cấp tỉnh và Trung ương không quá một phần hai (1/2) so với số uỷ viên ban chấp hành do đại hội quyết định; cấp huyện và cấp cơ sở được bổ sung đủ số lượng uỷ viên ban chấp hành mà đại hội đã quyết định.   (24/08/2012)

2. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội, ban chấp hành cấp dưới phải được ban chấp hành cấp trên trực tiếp công nhận. Ban chấp hành bầu ban thường vụ, bầu chủ tịch, các phó chủ tịch trong số uỷ viên ban thường vụ. Số lượng và cơ cấu ban thường vụ do ban chấp hành quyết định, tổng số uỷ viên ban thường vụ không quá một phần ba (1/3) tổng số uỷ viên ban chấp hành, trường hợp khuyết được bầu bổ sung cho đủ số lượng. Thường trực (không phải là một cấp) gồm chủ tịch, các phó chủ tịch thay mặt ban thường vụ giải quyết công việc giữa hai kỳ hội nghị ban thường vụ theo nghị quyết, chủ trương của ban chấp hành, ban thường vụ.

3. Trường hợp cần thiết, ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt của Hội cấp dưới.

Nhiệm kỳ của ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt được chỉ định không nhất thiết đủ 5 năm.

4. Ban Thường vụ Trung ương Hội thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội. Ban Thường vụ Trung ương Hội thành lập Văn phòng, các Ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp làm tham mưu, giúp việc. Ban Thường vụ tỉnh, thành Hội thành lập Văn phòng và các Ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội. Cấp huyện và cơ sở phân công cán bộ phụ trách các mặt công tác của Hội, hoặc thành lập các bộ phận, tổ chức kiêm nhiệm giúp việc khi cần.

5. Ban chấp hành từ cấp huyện trở lên họp thường kỳ một năm hai lần, Ban chấp hành cơ sở họp thường kỳ một tháng một lần. Ban thường vụ cấp tỉnh, huyện và cơ sở họp thường kỳ một tháng một lần, Ban Thường vụ Trung ương Hội họp ít nhất ba tháng một lần. Khi cần thiết ban chấp hành, ban thường vụ các cấp họp bất thường. Hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ chỉ hợp lệ khi có mặt hai phần ba (2/3) số uỷ viên được triệu tập trở lên. Nghị quyết ban chấp hành, ban thường vụ có giá trị khi quá một phần hai (1/2) tổng số uỷ viên ban chấp hành hay ban thường vụ được triệu tập biểu quyết đồng ý. Uỷ viên ban chấp hành nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác đương nhiên không còn là uỷ viên của ban chấp hành.

6. Ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ xin rút khỏi ban chấp hành ở cấp nào do ban chấp hành cấp đó xem xét, đề nghị lên ban thường vụ cấp trên trực tiếp quyết định; đối với ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Điều 10: Nhiệm vụ của Ban chấp hành từ cấp huyện trở lên

1. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn Hội cấp dưới thực hiện Điều lệ và nghị quyết của Hội; nghiên cứu thi hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt.

2. Phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức hướng dẫn hội viên, nông dân thi đua thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.

3. Chuẩn bị nội dung, nhân sự ban chấp hành và tổ chức đại hội cấp mình khi hết nhiệm kỳ.

4. Xem xét, quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách, chấm dứt hoạt động tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp.

 Chương IV

TỔ CHỨC HỘI Ở CƠ SỞ

Điều 11: Tổ chức cơ sở Hội

Tổ chức cơ sở Hội Nông dân là nền tảng của Hội, là nơi trực tiếp với hội viên, nông dân. Tổ chức cơ sở Hội theo đơn vị xã, phường, thị trấn. Những đơn vị kinh tế nông, lâm trường, hợp tác xã nếu có nhu cầu thành lập tổ chức Hội Nông dân và được Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định thì thành lập tổ chức Hội  phù hợp. 

Điều 12: Nhiệm vụ của ban chấp hành cơ sở Hội

1. Hướng dẫn các chi Hội, tổ Hội học tập, thực hiện Điều lệ và nghị quyết, chỉ thị của Hội; các nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

2. Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; phối hợp với chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế- xã hội, tham gia kinh tế hợp tác và hợp tác xã, làng nghề, trang trại và các loại hình kinh tế tập thể khác. Tổ chức hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ giúp nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân.

3. Nâng cao chất lượng hội viên; xem xét, quyết định kết nạp hội viên; bồi dưỡng cán bộ Hội; duy trì nề nếp sinh hoạt với nội dung thiết thực; xây dựng quỹ Hội, thu nộp hội phí đúng quy định.

4. Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Hội; phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể giám sát thực hiện chính sách, pháp luật ở nông thôn; tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng và giới thiệu với Đảng những cán bộ, hội viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp.

5. Thường xuyên phản ảnh tình hình tổ chức hoạt động của Hội, tình hình sản xuất, đời sống, tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của hội viên, nông dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng cấp và Hội cấp trên.

6. Chuẩn bị nội dung, nhân sự ban chấp hành và tổ chức Đại hội khi hết nhiệm kỳ.

Điều 13: Chi Hội

Chi Hội là đơn vị hành động, cầu nối của ban chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Chi Hội tổ chức theo thôn, ấp, bản, làng, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp. Chi Hội có thể chia thành nhiều tổ Hội. Chi Hội tổ chức hội nghị bầu chi Hội trưởng, chi Hội phó, nhiệm kỳ hai năm rưỡi và bầu đại biểu đi dự đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở. Việc bầu cử tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết. Chi Hội họp ba tháng một lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.

Điều 14: Nhiệm vụ của chi Hội

1. Tổ chức học tập, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Hội cấp trên đến hội viên, nông dân. Chi Hội phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, ấp, bản, làng, khu phố..., vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động hoà giải tranh chấp trong nội bộ nông dân; nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

2. Hướng dẫn các tổ Hội học tập nâng cao chất lượng và phát triển hội viên, sinh hoạt tổ Hội, thu nộp hội phí, xây dựng quỹ Hội; đoàn kết tương trợ giúp nhau trong sản xuất và đời sống.

3. Hàng tháng chi Hội phải báo cáo với ban chấp hành cơ sở và tổ chức Đảng cùng cấp về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội, sản xuất, đời sống và tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân.

Điều 15: Tổ Hội 

Tổ Hội là đơn vị dưới chi Hội, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo nghề nghiệp, đơn vị kinh tế, tổ hợp tác,… cho phù hợp và thuận tiện sinh hoạt. Tổ Hội có tổ trưởng và tổ phó do hội viên cử. Mỗi tháng tổ Hội họp một lần.

Điều 16: Nhiệm vụ của tổ Hội

Nhiệm vụ của tổ Hội là tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đoàn kết, tương trợ, hợp tác lao động sản xuất, thực hiện nghĩa vụ công dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân, vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, hoà giải những vụ tranh chấp của hội viên, nông dân; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển hội viên, xây dựng quỹ Hội, thu nộp hội phí theo quy định.

Chương V

CÔNG TÁC KIỂM TRA

Điều 17: Công tác kiểm tra

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra nhằm phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Hội. Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp nào lập ra ban kiểm tra của Hội cấp đó.

Điều 18: Ban kiểm tra

Ban kiểm tra giúp ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Hội gồm những nội dung sau:

1. Kiểm tra, giám sát cán bộ, hội viên, tổ chức Hội cấp dưới về chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Hội.

2. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính Hội, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Hội cùng cấp và cấp dưới.

3. Tham gia hoà giải và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội.

4. Giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở nông thôn.

 Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 19: Khen thưởng

Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên và những người có công với tổ chức Hội, với giai cấp nông dân tuỳ theo thành tích, được Hội khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng. 

Các hình thức khen thưởng của Hội do Ban chấp hành Trung ương Hội quy định.

Điều 20: Kỷ luật

1. Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên có sai phạm, tuỳ theo mức độ mà Hội có các hình thức kỷ luật sau đây:

- Đối với tổ chức: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

- Đối với cán bộ: khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

- Đối với hội viên: khiển trách, cảnh cáo, xoá tên và thu hồi thẻ hội viên.

2. Thẩm quyền thi hành kỷ luật do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.

 

Chương VII

TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 21: Tài chính của Hội

Tài chính của Hội bao gồm ngân sách nhà nước cấp; hội phí, quỹ Hội, quỹ hỗ trợ nông dân; nguồn thu từ tổ chức sản xuất, dịch vụ; từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ và các nguồn thu khác.

Tài chính của Hội chi cho các hoạt động của Hội.

Điều 22: Quản lý, sử dụng tài chính của Hội

Các cấp Hội thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài chính theo quy định của Nhà nước và của Trung ương Hội.

Chương VIII

CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI

Điều 23: Chấp hành Điều lệ Hội

Các cấp Hội và cán bộ, hội viên có nhiệm vụ chấp hành Điều lệ Hội. Ban Chấp hành Trung ương Hộicó trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

Điều 24: Sửa đổi Điều lệ Hội

Việc sửa đổi Điều lệ Hội do Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc Hội nghị đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam quyết định./.