Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

PHÁT TRIỂN, QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỘI VIÊN, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Cập nhật: 11-11-2019 09:03:26
Lượt xem:

PHÁT TRIỂN, QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỘI VIÊN, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

 

Trần Công Chính

Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng, Chính phủ và tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách khuyến khích nông nghiệp phát triển theo mục tiêu xây dựng "nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn thịnh vượng, văn minh"... thực sự tạo nên một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần nông dân nâng lên rõ rệt. Tổ chức Hội Nông dân cũng tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực; tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp toàn diện nhằm thu hút và củng cố nâng cao cả về số lượng và chất lượng hội viên, từng bước xây dựng "giá trị hình mẫu người nông dân trong thời kỳ mới".

Tuy nhiên, trong thực tế ở nhiều nơi chất lượng hội viên còn hạn chế, chưa đồng đều. Có thực trạng là số lượng hội viên đang có xu hướng giảm dần và già hóa hoặc đi làm ăn xa, "chảy máu" lao động về miền xuôi, các khu công nghiệp, chế xuất... Nếu có ở lại thì cũng chưa gắn bó với tổ chức Hội. Một bộ phận nhỏ còn thờ ơ với tình hình chính trị - xã hội đất nước và địa phương.

Nếu Hội Nông dân không kịp thời đổi mới mạnh mẽ, thiết thực cả nội dung và phương thức hoạt động thì chính sức ỳ nảy sinh từ trong lực lượng cán bộ và hội viên sẽ trở thành lực cản cho việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Điều đó đặt ra đòi hỏi bức thiết phải quan tâm tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên nông dân nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức Hội nông dân, trực tiếp góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà nghị quyết đại hội Đảng, nghị quyết đại hội Hội nông dân các cấp đề ra. Muốn vậy, các cấp Hội cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong cán bộ, hội viên và nông dân. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến những vấn đề mới, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Hội, chỉ thị, nghị quyết của Hội. Chú trọng việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Giáo dục lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn; phổ biến kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội, pháp luật, thị trường... Giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân theo hướng phù hợp với từng đối tượng ngành nghề, nhu cầu, từng vùng miền và điều kiện cụ thể của từng địa phương theo phương châm “Hội mạnh - Hội rộng - Hội viên tiêu biểu”. Mở rộng và đẩy mạnh phát triển mô hình chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp nhằm thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, nông dân. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên nông dân, nâng cao vị thế của tổ chức Hội để vận động, thu hút nông dân vào Hội.

Tập trung xây dựng thế hệ hội viên nông dân mới trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp hội đủ các yếu tố bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, đạo đức trong sáng; tiên phong trong hành động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, có sức khỏe tốt và khát vọng vươn lên. Hình thành nhanh những hộ nông dân giàu có với trình độ học vấn cao.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội; nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên. Trong đó chú trọng tổ chức sinh hoạt chi Hội, tổ Hội theo chuyên đề về phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thời tiết, dịch, bệnh, văn hóa, xã hội, môi trường…

Tăng cường tổ chức cho hội viên nông dân học tập kinh nghiệm hoạt động, các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn ngay tại xã, huyện, trong tỉnh; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, về các vấn đề nông dân quan tâm.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, nhất là cán bộ chi Hội, tổ Hội. Thực hiện tốt công tác quản lý hội viên về chính trị, tư tưởng và sinh hoạt, hoạt động. Thực hiện nghiêm túc quy định của Điều lệ Hội về nhiệm vụ, quyền lợi của người hội viên. Khắc phục cho được tình trạng tổ chức hội có hội viên đông nhưng không mạnh. Đổi mới nội dung, quy trình thực hiện công tác phân tích chất lượng và đánh giá, xếp loại cơ sở Hội, chi Hội hằng năm theo hướng bảo đảm thực chất.

Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đẩy mạnh hoat động tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thi đua khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh thông qua các mô hình, các hình thức hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm và mở rộng các hình thức hợp tác trong nông dân. Vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện các chương trình, dự án, công trình, phần việc của Hội, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân, phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác; tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng vật tư đầu vào, máy thiết bị phục vụ nông nghiệp cho nông dân; chủ động phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường... Đào tạo về kỹ năng canh tác nông nghiệp, cách thức tổ chức sản xuất, hạch toán, quyết toán trong sản xuất, kinh doanh, định hướng, dẫn dắt nông dân trở thành nông dân chuyên nghiệp.

Tăng cường phổ biến, tư vấn, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân. Tích cực phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình hội viên nông dân, các “gương người tốt, việc tốt”, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân tiêu biểu, điển hình trong lao động, sản xuất, hoạt động chính trị, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu hội viên nông dân ưu tú cho các cấp ủy đảng xem xét kết nạp.

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp Hội, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở, nhất là chi Hội, tổ Hội ở địa bàn dân cư. Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền để Hội Nông dân tham gia nhiều hơn vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương theo Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Hội vững mạnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của ban thường vụ Hội Nông dân các cấp. Tăng cường chỉ đạo trực tiếp đối với từng địa bàn, địa phương; phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ cơ sở Hội, mỗi cán bộ các đơn vị tham mưu cấp tỉnh một năm dự sinh hoạt với chi Hội 2 lần, mỗi cán bộ cấp huyện một năm dự sinh hoạt với chi Hội 4 lần, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành Hội cơ sở phải dự sinh hoạt tại các chi Hội để nắm bắt tình hình, hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm của Hội cấp trên, sau kỳ sinh hoạt có báo cáo kết quả và đề xuất, kiến nghị các vấn đề trong thực hiện nhiệm vụ.

Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá, tự phê bình và phê bình; phát hiện, nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên mới và nâng cao chất lượng hội viên. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời./.