Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

MÔ HÌNH CHĂN NUÔI LỢN CÒI VÀ GÀ ĐEN CỦA HỘI VIÊN NÔNG DÂN LÒ VĂN BÍNH – BẢN NAM GIÁNG XÃ CHIỀNG ĐEN THÀNH PHỐ SƠN LA

Cập nhật: 19-04-2024 07:50:07
Lượt xem:

          Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất quan trọng của nền kinh tế, trong đó chăn nuôi đang góp một phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm để cung ứng cho thị trường, trong đó việc lựa chọn được vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của địa phương là rất quan trọng. Câu chuyện về quá trình khởi nghiệp chăn nuôi của hội viên nông dân Lò Văn Bính bản Nam Giáng, xã Chiềng Đen là một bài học kinh nghiệm đáng để các hội viên cùng suy ngẫm.

          Sinh ra và lớn lên tại bản Nam Giáng, xã Chiềng Đen, anh Lò Văn Bính luôn ấp ủ hy vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ sự chia sẻ, động viên của Hội Nông dân xã Chiềng Đen, anh Bính đã đầu tư mua giống dê từ ngoài tỉnh để nhốt chuồng, chăm sóc và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên sau một thời gian chăn nuôi đàn dê tại gia đình, do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp... đàn dê không phát triển như mong muốn, trở nên gầy yếu và chết. Trước tình hình đó, vợ chồng anh Bính đã rất trăn trở bởi đã đầu tư số tiền không nhỏ vào đàn dê và muốn tìm hướng chăn nuôi mới. Bản thân gia đình khi đó cần nguồn vốn khá lớn để tiếp tục sản xuất nhưng không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Năm 2023, với quyết tâm cùng hội viên nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, Hội Nông dân xã Chiềng Đen đã làm cầu nối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Sơn La để gia đình anh Bính được vay tín chấp số tiền 200 triệu đồng để chăn nuôi lợn còi và gà đen thả vườn tại khu chăn nuôi của gia đình.

          Sau khi được tiếp cận vốn vay, anh Bính đã tích cực tìm hiểu kinh nghiệm của các hộ gia đình, kỹ thuật chăm sóc gà và lợn theo đúng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường, anh vừa làm vừa rút ra những bài học cho mình để có thể chăn nuôi hiệu quả nhất. Thức ăn chăn nuôi chủ yếu anh dùng cám ngô, thóc, cây chuối, rau cỏ từ vườn của gia đình nên lợn, gà của gia đình anh rất chắc thịt, thơm ngon và đảm bảo chất lượng nên được người tiêu dùng rất hài lòng.

          Đàn gà và lợn đã được gia đình anh Bính chăn nuôi tại khu vực riêng, đảm bảo rộng rãi cho vật nuôi có thể sinh trưởng phát triển tốt, gần với môi trường tự nhiên và không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Gia trại của gia đình anh Bính mỗi năm chăn nuôi từ 100 - 150 con lợn còi, 10- 15 con lợn nái bản sinh sản, xuất bán ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn lợn/ năm, 3.500 – 4.000 con gà đen/năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu về lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ năm.

Đàn gà đen của gia đình anh Lò Văn Bính, bản Nam Giáng, xã Chiềng Đen

       Đàn lợn còi của gia đình anh Lò Văn Bính, bản Nam Giáng, xã Chiềng Đen

          Anh Bính cho biết: khó khăn lớn nhất của gia đình khi chăn nuôi lợn còi, gà đen là cần có vốn để mở rộng sản xuất, khâu chăm sóc lợn còi, gà đen cũng đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và kỹ thuật chăn nuôi không giống như chăn nuôi các giống lợn và gà thông thường; bên cạnh đó khâu phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường cũng phải được đảm bảo. Nhờ nhiệt huyết trong công việc, khắc phục khó khăn trong chăn nuôi, trang trại của gia đình anh Lò Văn Bính được đánh giá là mô hình sản xuất tiêu biểu của xã Chiềng Đen và là điển hình sản xuất giỏi để các hội viên nông dân học tập kinh nghiệm.

Anh Lò Văn Bính dành nhiều tâm huyết chăm sóc đàn gà và lợn của gia đình

          Qua bài học kinh nghiệm của anh Lò Văn Bính cho thấy việc lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương là vô cùng cần thiết, cần có sự những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chung tay của các cơ quan chức năng để những mô hình chăn nuôi ít vốn mà hiệu quả được nhân rộng, không chỉ giúp người chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì an toàn sinh học và phát triển bền vững ngành chăn nuôi./.

          Ngọc Nga – Chuyên viên Hội Nông dân thành phố