Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Dự án “Biến đổi khí hậu và người dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam” tại Sơn La

Cập nhật: 14-08-2017 08:52:10
Lượt xem:
Thực hiện Quyết định số: 1895/QĐ-UBND ngày 17/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc tiếp nhận Dự án “Biến đổi khí hậu và người dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam” do Cơ quan CISU Đan Mạch tài trợ thông qua Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch – Châu Á (ADDA), Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pannature) tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Các vùng được lựa chọn tham gia dự án gồm 5 huyện, 10 xã, phường, gồm: xã Sặp Vạt - huyện Yên Châu; các xã Chiềng Mai, Hát Lót, Mường Bon - huyện Mai Sơn; xã Tông Cọ, Chiềng  Ngàm - huyện Thuận Châu; xã Mường Bú - huyện Mường La; xã Chiềng Xôm, xã Hua La, phường Chiềng Sinh - Thành phố Sơn La.

 Qua việc điều tra thực trạng canh tác nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện tại đã bộc lộ nhiều nhược điểm tác động xấu tới môi trường như: sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho lúa; lạm dụng các loại thuốc trừ cỏ và canh tác bằng hình thức cày cuốc trên đất dốc trong trồng ngô; cơ cấu cây trồng phân bổ theo không gian chưa hợp lý, canh tác chủ yếu độc canh, ít luân canh xen vụ; phân hữu cơ gần như không còn được sử dụng. Từ các vấn đề trên, dự án đã tìm kiếm và đề xuất 04 mô hình canh tác bền vững, giảm thiểu và thích ứng với BĐKH tại địa phương đó là: mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc, mô hình ủ phân hữu cơ và mô hình trồng nấm.

Qua 03 năm triển khai dự án, đã thành lập và đào tạo cho nhóm nông dân sở thích (FIGs) về BĐKH tại các bản được 50 lớp FFS, đào tạo cho trên 500 nông dân về kỹ thuật ủ phân hữu cơ, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng ngô, trồng lúa. Cụ thể: 25 lớp/25 mô hình lúa cải tiến (SRI); 05 lớp/05 mô hình trồng ngô bền vững trên đất dốc (nông lâm kết hợp); 04 lớp/04 mô hình trồng nấm; 16 lớp/16 mô hình ủ phân hữu cơ.

Các lớp tập huấn FFS tại thôn bản, các nhóm nông dân được các tập huấn viên trực tiếp truyền đạt kiến thức về lý thuyết trên lớp, đồng thời hướng dẫn ngoài đồng ruộng và thực hành trực tiếp trên cây lúa, cây ngô… Các tập huấn viên đã tổ chức hỗ trợ kỹ thuật theo phương pháp cầm tay chỉ việctừ giai đoạn làm đất, chọn giống, cách ngâm ủ, đến các biện pháp chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho tới khi thu hoạch.

Trong quá trình thực hiện, các mô hình đều được Ban quản lý Dự án tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá, phân tích kết quả, hiệu quả của từng mô hình. Đây cũng là một cách tuyên truyền để nhân rộng mô hình rất hiệu quả. Theo đánh giá tại các hội thảo đầu bờ, về cơ bản các nhóm đã triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình hướng dẫn, hiệu quả đạt cao hơn so với mô hình đối chứng (cả về hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường…).

Kết thúc Dự án, đã  đào tạo được 10 giảng viên địa phương và thành lập, tập huấn được 50 lớp nhóm nông dân sở thích. Tất cả các tập huấn viên là người địa phương đều khả năng nói được từ hai thứ tiếng dân tộc trở lên. Đây là một lợi thế trong truyền thông về kỹ thuật nông nghiệp bền vững cho người dân. Việc tạo ra một mạng lưới tập huấn viên nông dân là một trong kết quả quan trọng của dự án và được chính những người hưởng lợi trực tiếp là người dân tộc đánh giá cao. 100% thành viên nhóm nông dân tham gia, bày tỏ thái độ rất hài lòng với tập huấn viên do dự án đào tạo.

Dụ án cũng đã xây dựng 50 mô hình canh tác bền vững với 4 nhóm mô hình. Các mô hình này đang từng bước được nhân rộng. Dự án cũng đã xây dựng được bộ chỉ số CRAI. Bộ chỉ số này đã nhận được sự quan tâm của các huyện, xã trong tỉnh. Góp phần nâng cao được nhận thức về BĐKH của các địa phương.

Từ những kết quả đạt được như trên dự án rút ra một số kinh nghiệm là:

Một là, sử dụng phương pháp đào tạo “nông dân dạy nông dân”, giúp truyền đạt các kỹ thuật canh tác mới tới cộng đồng tốt hơn.

Hai là, thực hiện đào tạo nông dân bằng cách “cầm tay chỉ việc giúp người nông dân dễ hiểu, dễ làm theo. Lấy kết quả thực tế từ mô hình làm cơ sở để thuyết phục người dân là tốt nhất.

Ba là. cới các biện pháp canh tác mới cần có thời gian dài để người dân thay đổi, làm theo và việc thay đổi cần từng bước, từng kỹ thuật nhỏ một.

Bốn là, cần tổ chức tốt  các buổi hội thảo đầu bờ để đánh giá, quảng bá mô hình.

Cầm Văn Minh - PCT Hội Nông dân tỉnh