Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Hội Nông dân huyện Phù Yên tổ chức tham quan học tập mô hình nuôi trang trại tại Phú Thọ và Hà Nội

Cập nhật: 29-11-2023 14:50:14
Lượt xem:

          Để giúp cho cán bộ, hội viên nông dân trong huyện có điều kiện thăm quan, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả để về áp dụng tại địa phương, Hội Nông dân huyện Phù Yên tổ chức đoàn tham quan học tập cho các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch, hội viên nông dân các xã đến thăm các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ và Sóc Sơn, Hà Nội.

          Ngày 26/11, Hội Nông dân huyện Phù Yên tổ chức đoàn tham quan học tập mô hình tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đoàn đã đến tham quan Trang trại gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 35km. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi tiên tiến, đem lại hiệu quả cao. Năm 2017, chị Thu Thoan bắt đầu "đặt những viên gạch đầu tiên" trên hành trình theo đuổi đam mê của mình. Với số vốn ban đầu chỉ 60 triệu đồng đến nay chị Thoan đã phát triển nhân rộng quy mô trang trại tại Sóc Sơn (Hà Nội) lên hơn 5.000 con gà. Lựa chọn mô hình chăn nuôi bằng thức ăn vi sinh, chất lượng gà của trang trại gà vi sinh Thu Thoan luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2021, sản phẩm gà vi sinh Thu Thoan đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

          So với mô hình chăn nuôi gà phổ thông, mô hình chăn nuôi gà bằng thảo dược không có quá nhiều điểm khác biệt. Song, điểm mấu chốt tạo nên sự độc đáo cho mô hình này nằm ở thức ăn chăn nuôi. Theo đó, để cải thiện chất lượng đàn gà, chị đã chọn lọc các loại thảo dược có để bổ sung vào thức ăn. Những nguyên liệu này góp phần kiểm soát được tình hình bệnh dịch, giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh cho gà, giảm tỷ lệ chết và tồn dư các chất kích thích.

          Chia sẻ về ý tưởng nuôi gà bằng thảo dược, chị Nguyễn Thị Thu Thoan cho biết, tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã thôi thúc chị xây dựng một trang trại chăn nuôi sạch. Sau một thời gian dài ấp ủ, đến năm 2016, chị đã bắt đầu đi vào thử nghiệm ủ thức ăn. Để có được công thức chuẩn, chị đã phải học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại lớn như: Bảo Châu, Ngọc Linh... Trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, cuối cùng sau 2 năm, chị đã thành công trong cách chế biến thức ăn thảo dược đạt hiệu quả lên men cao nhất. Hiện tại, mùa hè thức ăn sẽ được ủ trong vòng từ 8 - 10 tiếng và mùa đông là 24 tiếng. Với thời gian ngâm ủ như vậy, thức ăn không bị ôi thiu, nấm mốc, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe vật nuôi.

Chị Thu Thoan hướng dẫn cách ủ, phối trộn thức ăn vi sinh cho gà

          Không chỉ sử dụng men vi sinh, thức ăn cho gà tại trang trại của chị Thoan còn được bổ sung thêm các loại thảo dược như: Diệp hạ châu, cỏ mực, tỏi đen, cỏ mần trầu, sâm đương quy,… Nhờ bổ sung các thành phần thảo dược vào khẩu phần ăn hằng ngày, đàn gà của chị có sức đề kháng tốt và chất lượng thịt cũng được cải thiện. Để đảm bảo tính minh bạch, chị Thoan đã chủ động mang mẫu thịt đi kiểm tra chất lượng tại Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương. Kết quả thử nghiệm, thịt gà của chị không bị nhiễm khuẩn E.coli , SaLmonella và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

          Bên cạnh đó, kỹ thuật “đệm lót sinh học” cũng là một yếu tố quan trọng trong mô hình chăn nuôi của chị Thoan. Theo đó, thay vì đổ bê tông kiên cố, toàn bộ phần sàn của chuồng gà được chị làm từ trấu, mùn cưa trộn men vi sinh, nhờ vậy mà trang trại của chị Thoan gần như không có mùi hôi. Thêm vào đó, để tối ưu chức năng, phần nền lót này còn được sử dụng để trồng rau sạch, cây dược liệu... Chị Thoan chia sẻ, mỗi năm chị bán được hàng chục tấn phân gà vi sinh với giá 3.000 đồng/kg.

Chị Thu Thoan hướng dẫn cách làm “đệm lót sinh học”

          Hiện nay, trung bình trang trại gà của chị Thoan nuôi thường xuyên khoảng 5.000 con, mỗi tháng cho ra thị trường 1.000 con. Tại đây, gà được nuôi đến khi trọng lượng đạt khoảng từ 1 - 1,7kg sẽ xuất bán ra thị trường. Với sản phẩm gà chế biến sơ, thịt gà được sơ chế sạch, đóng túi, hút chân không. Trên bao bì có đầy đủ thông tin mã QR, mã vạch…đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hiện tại các cửa hàng, siêu thị và điểm bán hàng nông sản, sản phẩm gà sơ chế như thế được bán giá khoảng 285.000đ/kg.

            Sau khi tham quan mô hình Trang trại gà vi sinh Thu Thoan, đoàn đã tham quan, học hỏi mô hình nuôi giun quế kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo chu trình khép kín, anh Nguyễn Mạnh Khang chủ trại sinh thái Mai Hiền đã trở thành người đi đầu với mô hình độc, lạ cho thu nhập cao ở tỉnh Phú Thọ.        Đánh giá được nguồn lợi từ việc nuôi giun quế, khi trở về, năm 2008 anh đã cùng vợ là chị Lộc Thị Đà nuôi giun quế thử nghiệm. 3 năm sau, khi hiệu quả đã dần được khẳng định thì anh chị đã bắt tay đi vào sản xuất chính thức và ra đời trang trại nuôi giun quế Mai Hiền.

Anh Nguyễn Mạnh Khang hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình trồng trọt khép kín

          Quy trình khép kín như sau: Thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp như phân trâu, phân bò, gà, lợn, rơm rạ hay bèo tây làm nguyên liệu cho trang trại nuôi giun. Giun ăn phế thải và tạo thành bã phế thải. Chất bã này trở thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Nhờ có nguồn thức ăn từ giun quế, giúp giảm được chi phí từ 30 – 40% so với bình thường, số lượng ngan gà được bán ra trong một năm khá nhiều. Cụ thể, mỗi năm xuất bán khoảng 6.000 – 7.000 con gà và từ 2.000 – 3.000 con ngan. Tận dụng bã thải của giun trong chăn nuôi gia đình chị Khang mở rộng diện tích trồng rau sạch. Do phân giun không có mùi hôi như các loại phân gia súc, gia cầm lại có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, nên thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển. Nuôi giun không những mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn giúp làm sạch môi trường xung quanh. Ngoài việc sử dụng giún quế để chăn nuôi và phân giun bón cây, vợ chồng anh chị cũng chế biến giun thành thực phẩm. Giun quế sau quá trình nuôi sẽ được xử lý làm phân vi sinh cao cấp, sơ chế thành mồi câu và làm các nguyên liệu chữa bệnh…. Bên cạnh đó, những bã thải sau khi được giun sử dụng hết chất mùn chúng lại được tận dụng trở thành giá thể tốt cho trồng trọt. Không chỉ vậy, công việc thu gom phế thải còn giúp tận dụng được những thứ bỏ đi. Thông qua công nghệ sinh học, chúng được xử lý thành bùn để đưa vào chăn nuôi, rất tiết kiệm.

Đoàn tham quan các hình trồng trọt và chăn nuôi tại trang trại Mai Hiền

Có được thành công như bây giờ, anh chị cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại. Sau một thời gian tìm tòi và khắc phục những khó khăn, đến nay vợ chồng anh Khang đã tìm ra công nghệ đột phá là cho giun ăn chìm, mỗi tháng chỉ cần 1 lần. Không giống như cách cho ăn nổi 3 ngày/lần như trước mà giun vẫn đủ dinh dưỡng và sinh sản đều. Nhưng nhờ vào công nghệ ăn chìm giúp giun có thể ăn 24/24 vì con giun quế rất sợ ánh sáng nên trong 1 ngày sẽ chỉ ăn 12 tiếng. Về kỹ thuật, anh Khang cho biết nuôi giun quế không đòi hỏi khắt khe quy trình kỹ thuật, nếu nuôi lâu dài người nông dân nên xây chuồng, có mái che, có thể xây các ô liền nhau thành từng dãy dài, mỗi ô có 2 lỗ nhỏ để thoát nước. Đất nền cho giun quế cư trú tốt nhất là phân bò, phân trâu đã xử lý hoai mục; thường xuyên tưới ẩm, xới nền cho tơi xốp. Khu nuôi giun quế nên che chắn chống ánh sáng trực tiếp, hàng ngày tưới nước để tạo độ mát cho giun phát triển. Trong quá trình nuôi giun quế, phát hiện thấy kiến bò vào nơi giun sinh sống phải dùng chất đốt, đốt theo hướng kiến bò vào chuồng hoặc có thể dùng thuốc diệt kiến bôi lên trên vách chuồng.           Hiện tại, vợ chồng anh Khang đã có 3 trang trại nuôi giun, mỗi năm thu 4 tỷ đồng từ các hoạt động canh tác nông nghiệp sạch. Trang trại Mai Hiền của anh Khang, chị Đà đã giải quyết được nhiều việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 4 - 7 triệu đồng/tháng.

          Qua chuyến tham quan thực tế các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại Phú Thọ và Hà Nội đã giúp Đoàn công tác có những kiến thức mới về phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức quy mô trang trại và theo quy trình, công nghệ cao, từ đó sẽ hướng dẫn, tuyên truyền hội viên nông dân vận dụng vào tình hình thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó thông qua đợt học tập kinh nghiệm đã làm tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa cán bộ Hội Nông dân các xã trong huyện, tạo tinh thần hăng hái trong công tác, cùng nhau thi đua quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội HND các cấp nhiệm kỳ  2023 - 2028 đã đề ra. 

T/h: Bạc Cầm Dương - Chuyên viên HND huyện Phù Yên