Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Xây dựng người Nông dân mới đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay

Cập nhật: 21-12-2021 09:56:53
Lượt xem:

   Khi nói về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước và trải nghiệm thực tiễn cách mạng đã giúp Người hiểu và khẳng định rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam thực chất là vấn đề nông dân. Nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng. Thực tiễn trong các phong trào cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc, có đến hơn 80% lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh trên chiến trường là nông dân. Có thể nói, trong những lúc khó khăn nhất, địa bàn nông thôn luôn là chỗ dựa của cách mạng; giai cấp nông dân là lực lượng quan trọng tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền nhân dân trong những lúc khó khăn.

   Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế kinh tế hiện nay, vị trí, vai trò của giai cấp nông dân, vấn đề về nông nghiệp, nông thôn cũng đã được Đảng ta rất quan tâm, chú trọng. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Đồng thời xác định rõ mục tiêu:“Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

   Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương…”.

   Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đã đem lại cho Việt Nam nhiều thời cơ, nhưng cũng không ít thách thức đối với sự phát triển của nền kinh nói chung và của kinh tế nông nghiệp nói riêng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng ở cả thị trường trong nước và quốc tế đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh về giá thành, chất lượng sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế... Muốn vậy, Việt Nam phải có chính sách và chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Song, mặt khác đòi hỏi người Nông dân - chủ thể trong sản xuất nông nghiệp phải đổi mới tư duy, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa lớn, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường, tích cực nghiên cứu đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất…

   Chính vì vậy, trong những năm qua các cấp, các ngành đã quan tâm, tạo mọi điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân Việt Nam đã rất chú trọng đề cao vai trò của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong việc tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ nông dân tạo ra sự đột phá trong sản xuất để có sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; quan tâm xây dựng giai cấp nông dân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới hiện nay. Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khóa VI đã đưa ra đề xuất xây dựng hình mẫu “Người nông dân 5 mới” nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay và đã sớm đi vào cuộc sống, được nhiều người ủng hộ, cụ thể đó là: (1) Nông dân có tư duy mới; (2) Nông dân  có nhận thức mới; (3) Nông dân có kiến thức mới; (4) Nông dân có đời sống văn hóa mới; (5) Nông dân có quyết tâm mới. Và khi xây dựng được 5 cái mới này sẽ dẫn đến 1 cái mới khác đó là “thu nhập mới”. Đồng thời, đưa ra yêu cầu 10 tiêu chí của “người nông dân 5 mới” là:(1) Có trình độ, kiến thức, KHKT tương ứng;(2) Lành nghề về nông nghiệp;(3) Có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công;(4) Có thể lực, trí lực;(5) Biết giữ gìn và hưởng thụ văn hóa;(6) Kết hợp bản chất cần cù, sáng tạo;(7) Có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo;(8) Biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh;(9) Có ý thức bảo vệ môi trường;(10) Có tình cảm tốt đẹp đối với gia đình, xã hội.

   Tại Hội thảo khoa học “Hội Nông dân Việt Nam - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng mẫu hình người nông dân Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” các đại biểu cũng cho rằng: Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập thế giới 4.0, người nông dân mới thời kỳ CNH, HĐH đòi hỏi phải là những nông dân có trình độ, kiến thức và khoa học kỹ thuật tiên tiến; phải lành nghề về sản xuất nông nghiệp. Họ cũng phải là những nông dân biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học và dịch vụ công tốt, hiểu biết về hội nhập quốc tế, phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ nông dân với nông dân, mà còn với cả nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân nước ngoài. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần hỗ trợ, đào tạo người nông dân đáp ứng được những năng lực trên.

   Gần đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 12/12/2020 về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010-2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy”.

   Như vậy, việc xây dựng mẫu hình người nông dân mới trong giai đoạn hiện nay với những yêu cầu trên là rất quan trọng nhằm xây dựng giai cấp nông dân ngày càng lớn mạnh, thật sự phát huy được vai trò to lớn của Nông dân trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đất nước, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ ngành đã đề ra, cụ thể hóa một cách hiệu quả, gắn với điều kiện thực tế của từng vùng, miền để có chủ trương, kế hoạch cụ thể trong xây dựng giai cấp nông dân trong giai đoạn mới. Các cấp Hội Nông dân cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để những “cái mới” đó thấm, nhập được vào hội viên, Nông dân ở từng cơ sở, địa phương nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tiến bộ với trình độ sản xuất ngày càng cao, khai thác được lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp nhiệt đới, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế ./.

Th.s. Mè Thu Thủy  - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Sơn La