Đường dây nóng: 02123.852.033
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:
Không có video - Upload lại link

Lịch sử hình thành

Cập nhật: 15-01-2025 12:06:52
Lượt xem:

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Nghị quyết đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày 06/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 - NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương, gồm 6 đồng chí: Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Mạnh Hồng, Phạm Xuân Dy, Trương Việt Hùng, Trần Đào. Trụ sở đầu tiên của Ban Nông vận Trung ương đóng tại Bản Lá (Roòng Khoa), xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; sau chuyển sang thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Với nhiệm vụ vận động nông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Thực hiện chủ trương trên Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 07 tháng 12 năm 1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ đại diện cho tổ chức Hội Nông dân ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm, đánh giá ưu, khuyết điểm của tổ chức Hội, phong trào nông dân, đặc biệt là đánh giá vai trò của tổ chức và hoạt động của phong trào nông dân từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong thư gửi Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước. Ngày 16/4/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09 - NQ/TW về “Thành lập các ban và tiểu ban giúp việc”, trong đó có Tiểu ban Nông vận gồm có 8 đồng chí: Hồ Viết Thắng (Trưởng ban), Trương Việt Hùng, Nguyễn Hữu Thái, Trần Đức Thịnh, Phạm Xuân Dy, Nguyễn Mạnh Hồng, Nguyễn Ca, Trần Đào.  Phong trào nông dân từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất có bước phát triển mới, toàn diện và rất mạnh mẽ. Để tiếp tục đánh giá phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân, Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai (tháng 5/1951) tại thôn Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức Hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và phát biểu trước Hội nghị. Đồng chí Tổng Bí thư dành nhiều thời gian nói về Chính cương của Đảng, quan điểm của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất. Hội nghị đã tập trung quán triệt những nhiệm vụ mới của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội đáp ứng với những yêu cầu trước mắt. Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong đồng khởi. Tháng 1/1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong 8 năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch ''Bình định cấp tốc'' của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, bảo đảm đời sống và cung cấp hậu cần cho bộ đội. Hội tập trung vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng.

Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng và tiến tới Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc. Ngày 25/6/1977, Ban Bí thư ra Thông báo số 16 – TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25/6/1979, Ban Bí thư quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (thực chất là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, do Ban Nông nghiệp chỉ đạo) nay lập thành một cơ quan độc lập có nhiệm vụ vừa thường xuyên chỉ đạo phong trào thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa giúp Ban Bí thư chuẩn bị Đại hội nông dân toàn quốc. Ban Bí thư chỉ định 3 đồng chí: Ngô Duy Đông (Trưởng ban), 2 đồng chí: Nguyễn Thành Thơ, Nguyễn Công Huế (Phó ban), đồng chí Lê Du là Ủy viên.

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 - CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội kết nạp tất cả nông dân hăng hái phấn đấu vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa, theo nguyện tắc tự nguyện. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc) nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.  Quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, ngày 24/3/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05/CT-TW về tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Ban Bí thư đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (theo Tờ trình của Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam). Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

 CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM 

1. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Nhất  nhiệm kỳ (1988-1993) được tổ chức từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 31 tháng 3 năm 1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu.

Nghị quyết của Đại hội đã khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm tiến theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Nhất là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường lịch sử vẻ vang gần 6 thập kỷ của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Đại hội này Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng chí Trường Chinh thay mặt Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước cho giai cấp Nông dân Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Hồng Thất, Nguyễn Thành Thơ, Cầm Ngoan, Nguyễn Thị Huệ.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Sáu (khóa I) tại Hà Nội, từ ngày 30/10 đến ngày 02/11/1991 đã bầu đồng chí Hoàng Hồng Thất, Phó Chủ tịch Thường trực làm Quyền Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội thay đồng chí Phạm Bái nghỉ hưu. Từ ngày 02/6 đến ngày 05/6/1992, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Bảy (khóa I) đã họp tại Hà Nội, đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

2. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ II  nhiệm kỳ (1993- 1998) được tổ chức từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 19 tháng 11 năm 1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu.

Đại hội đã đánh giá phong trào nông dân, công tác xây dựng Hội; phương hướng, nhiệm vụ của Hội 5 năm tiếp theo, thông qua Điều lệ (sửa đổi) Hội Nông dân và thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam.

Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.

Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 15 Ủy viên Ban Thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyễn Thị Huệ.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ hai, họp từ ngày 01/3 đến 03/3/1994 tại Tp. Hồ Chí Minh đã bầu bổ sung đồng chí Lò Văn Inh giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Năm (khóa II), họp tại Hà Nội từ ngày 09/01 đến ngày 10/01/1997, đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) được Bộ Chính trị bố trí công tác mới, đồng chí Mai Thanh Ân (Bảy Khế), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ III  nhiệm kỳ (1998- 2003) được tổ chức từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 20 tháng 11 năm 1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.

Tham dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội đã quán triệt nhiệm vụ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đại hội III có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại Đại hội này thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Diệu Tuyết, Lê Văn Nhẫn, Lê Văn Sang (Hùng Kháng).

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 8, họp từ ngày 28/01 đến ngày 29/01/2002 tại Hà Nội đã bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 11, từ ngày 17/6 đến ngày 18/6/2003 tại Hà Nội đã bầu bổ sung các đồng chí: Phạm Quang Tôn, Trưởng ban Kinh tế - xã hội Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Lê Hoàng Minh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

4. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam  lần thứ IV  nhiệm kỳ (2003-2008) được tổ chức từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 25 tháng 11 năm 2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Đây là Đại hội ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển”.

Tham dự Đại hội có 860 đại biểu. Đại hội đã bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Diệu Tuyết, Phạm Quang Tôn, Nguyễn Hữu Mai, Lê Hoàng Minh, Hà Phúc Mịch.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ 8, ngày 26/02/2007 tại Hà Nội đã bầu đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Chủ tịch Vũ Ngọc Kỳ nghỉ hưu.

5. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V  nhiệm kỳ (2008- 2013) được diễn ra từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội.

Tham dự Đại hội có 1.175 đại biểu. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Bảy (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại hội V là Đại hội ''Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập -  Phát triển''.

Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới; tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao vai trò đại diện; chăm lo nâng cao đời sống; bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, đó là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Để tăng cường sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với hơn 40 Bộ, ngành.

Đại hội đã bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Lê Hoàng Minh, Hà Phúc Mịch, Nguyễn Duy Lượng, Lều Vũ Điều.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 9, ngày 05/7/2012 tại Hà Nội đã bầu bổ sung đồng chí Lại Xuân Môn, Chánh văn phòng Trung ương Hội và đồng chí Nguyễn Hồng Lý, Trưởng ban Dân Vận Tỉnh ủy Bạc Liêu giữ chức Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I đến lần thứ V của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhất là trong giai đoạn hiện nay thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vai trò, vị trí của giai cấp nông dân được thể hiện rất rõ là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (năm 2008) Hội Nông dân Việt Nam xác định tiêu chí Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển do đó nhiệm vụ, vai trò của Hội ngày càng trọng đại hơn.

6. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ (2013 – 2018),  được khai mạc từ ngày 30/6 – 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội.

Đây là Đại hội của tinh thần: “Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững”.

Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu thay mặt cho 9.913.432 hội viên, nông dân cả nước. Đại hội vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng được tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch: Nguyễn Duy Lượng, Lều Vũ Điều, Nguyễn Hồng Lý, Lại Xuân Môn.

Ngày 22/4/2016 tại Hội nghị BCH  lần thứ 8 khóa VI đã bầu đồng chí Lại Xuân Môn – phó chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

 Phương hướng Đại hội VI là: “Phát huy tinh thần “Đoàn kết - đổi mới - chủ động - hội nhập - phát triển bền vững”, vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện Kết luận số 62 - KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh; đào tạo người nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Nông dân Việt Nam không ngừng phát triển, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn trong quá trình đổi mới của đất nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân; tăng cường liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

          II. CÁC KỲ ĐẠI HỘI CỦA HỘI NÔNG DÂN TỈNH SƠN LA.

          1. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ I: được tổ chức vào ngày 7 - 10 tháng 11năm 1976 tại thị xã Sơn La

          - Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là tập trung toàn lực lượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, phát triển thật mạnh hoa màu, lương thực, thực phẩm, trồng rừng, bảo vệ rừng. Hướng mạnh công nghiệp và thủ công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp, phục vụ đời sống, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Tăng nhanh sản xuất hàng tiêu dùng, tổ chức lại sản xuất ở cơ sở.

          - Đại hội đã bầu được 33 đ/c vào ban chấp hành Hội liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh khoá I và đ/c Hà Nén được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí Phạm Minh và Hoàng Păn được bầu giữ chức phó chủ tịch Hội.

          2. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ II, nhiệm kỳ (1984-1987) được tổ chức vào tháng 4 năm 1984 tại Thị xã Sơn La

          - Đại hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của Hội là tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, thực hiện cơ chế khoán mới, tham gia làm thuỷ lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng xuất cao vào sản xuất, xây dựng " vườn quả Bác Hồ", " Ao cá Bác Hồ", kết hợp với phong trào " Tết trồng cây", phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây có năng xuất, chất lượng cao.

          - Đại hội đã bầu được 38 đ/c vào ban chấp hành Hội liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh khoá II và đ/c Vì Văn Xoá được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí Lò Văn Nhố và Phạm Phú được bầu giữ chức phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh. Năm 1985 đ/c Lò Văn Ó được bầu bổ sung giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh thay đồng chí Vì Văn Xoá chuyển công tác khác.

          3. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ III, nhiệm kỳ (1987-1992) được tổ chức vào ngày 10 - 11 tháng 3 năm 1987 tại Thị xã Sơn La. Có 197 Đại biểu chính thức dự Đại hội.

          - Đại hội đã xác định rõ 8 mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu trong nhiệm kỳ tập trung vào những nhiệm vụ chính như: Thực hiện có hiệu quả 4 chương trình kinh tế lớn của tỉnh; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân khai tác tiềm năng phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, xây dựng nông thôn mới, tăng cường vai trò của các cấp Hội trong việc tham gia củng cố, kiện toàn các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng đối với hội viên, nông dân, phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi tròng trọt.

          - Đại hội đã bầu được 31 đ/c vào ban chấp hành và 7 đ/c được bầu vào BTV Hội liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh khoá III và đ/c Lò Văn Ó được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Lù Văn Mẳn được bầu giữ chức phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh. Ngày 4/5/1989 tại hội nghị BCH khoá III kỳ họp thứ 5 dã bầu bổ sung đ/c Quàng Văn Đán làm phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh; Đầu năm 1992 đ/c Quàng Văn Đán được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh thay đ/c Lò Văn Ó nghỉ hưu.

          - Ngày 1/3/1988 Tổ chức Hội được đổi tên là Hội Nông dân Việt Nam.

4. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ IV, nhiệm kỳ (1992-1998) được tổ chức vào ngày 28 tháng 11 năm 1992 tại Thị xã Sơn La. Có 250 Đại biểu chính thức dự Đại hội.

Đại hội đã bầu 27 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IV, 9 đồng chí vào Ban Thường vụ và bầu 12 đại biểu đi dự Đại hội lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam tại Hà Nội. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất (khóa IV) bầu các đồng chí Phùng Đức Chiêm, Vì Mạnh Đoàn làm phó chủ tịch. Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2 ngày 24.3.1993 bầu đồng chí Quàng Văn Đán làm chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh.

          - Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đề ra: Đại hội đã xác định tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho hội viên , nông dân các dân tộc nâng cao nhận thức chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, không ngừng chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân các dân tộc tích cực tham gia phong trào phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức ổn định đời sống, xây dựng nông thôn mới; bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các cấp Hội.

          5. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ V, nhiệm kỳ (1998-2003) Tổ chức vào ngày 15- 17 tháng 4 năm 1998 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La. Đến dự đại hội có 160 Đại biểu.

          Đại hội đã bầu được 31 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đồng chí Quàng Văn Đán được bầu làm chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Vì Mạnh Đoàn, Phùng Đức Chiêm, Nguyễn Văn Vỵ được bầu làm phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh khóa V nhiệm kỳ (1998-2003).

          - Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đề ra: Đại hội đã nhấn mạnh Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nông dân, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương và sức sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp của giai cấp nông dân theo phương châm " Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xâyy dựng người nông dân yêu nước, yêu CNXH, có sức khoẻ, kiến thức phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.

          6. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ VI, nhiệm kỳ (2003-2008) Tổ chức vào ngày 17 -18 tháng 4 năm 2003 tại Hội trường Tỉnh ủy, Thị xã Sơn La. Đến dự Đại hội Có 262 Đại biểu.

          Đại hội đã bầu được 33 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đồng chí Quàng Văn Đán được bầu làm chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Vì Mạnh Đoàn, Quàng Quỳnh Đôi, Đào Thị Bích được bầu làm phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh khóa VI nhiệm kỳ (2003-2008). Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 6 ngày 18.9.2005 đã bầu đồng chí Hà Chung – tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Mường la giữ chức chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh thay đồng chí Quàng Văn Đán nghỉ hưu.

          Ngày 3.10.2008 tại hội nghị BCH Hội Nông dân tỉnh lần thứ 18 khóa VI, đã bầu đồng chí Hoàng Sương – Phó chủ tịch UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh giữ chức chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, bầu đồng chí Cà Thị Như Loan – phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La giữ chức phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh.

          - Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đề ra: Đại hội đã xác định Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nông dân, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Sơn la vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân; chăm lo xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức phối hợp nhằm mở rộng các loại hình dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hoá, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

          7. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ VII, nhiệm kỳ (2008-2013) Tổ chức vào ngày 13 - 14 tháng 10 năm 2008 tại Thành phố Sơn La. Đến dự Đại hội Có 296 đại biểu.

Đại hội đã bầu được 33 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đồng chí Hoàng Sương được bầu làm chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Cà Thị Như Loan được bầu làm phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh khóa VII nhiệm kỳ (2008-2013). Ngày 31/12/2008 tại hội nghị BCH Hội Nông dân tỉnh lần thứ 2 đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Khiển – chủ tịch HND huyện Mộc Châu giữ chức phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh. Ngày 6/1/2011 tại hội nghị BCH Hội Nông dân tỉnh lần thứ 6 đã bầu đồng chí Cầm Văn Minh – Trưởng Ban kinh tế - xã hội Hội Nông dân tỉnh giữ chức phó chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh.

          - Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đề ra: Đại hội đã xác định Đoàn kết, năng động, sáng tạo xây dựng Hội Nông dân Sơn La vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ trợ giúp nông dân phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, tham gia xây dựng các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh. Nâng cao vai trò đại diện, phản biện xã hội của giai cấp nông dân, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân, góp phần xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp.

8. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2013 -2018) được tổ chức từ ngày 21-22/3/2013, tại Hội trường tỉnh ủy Sơn La. Đến dự Đại hội Có 293 đại biểu.

Đại hội đã bầu được 33 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đồng chí Hoàng Sương được bầu làm chủ tịch BCH Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Khiển, Cầm Văn Minh, Lương Ngọc Hoan được bầu làm phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ (2013-2018)

- Phương hướng Đại hội đề ra là: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân; Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La đề ra.

III. THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC QUA CÁC THỜI KỲ CỦA HỘI NÔNG DÂN TỈNH SƠN LA

1. Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2003)

2. Huân chương Lao động hạng Ba

3. Cờ thi đua xuất sắc của Chính Phủ

Năm 1998; 1999; 2001; 2002; 2007; 2011

4. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

- 3 tập thể: Hội Nông dân tỉnh; Hội Nông dân huyện Phù Yên; Hội Nông dân huyện Thuận Châu.

5. Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Từ năm 1999 đến năm 2005; 2010; 2016

6. Cờ thi đua xuất sắc của Ủy Ban nhân dân tỉnh

- Năm 1999; 2000; 2001; 2002; 2003; 2005; 2006