Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Hiệu quả kinh tế của một mô hình chuyển đổi

Cập nhật: 20-03-2018 01:42:43
Lượt xem:
Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Mai Sơn đã khởi sắc và tạo nên nhiều mô hình chuyển đổi đa dạng, phong phú, nhất là theo hướng trồng cây ăn quả. Xã Chiềng Ban là một địa phương đang nổi lên nhiều mô hình như thế. Trong số đó phải kể đến hộ gia đình anh Đỗ Xuân Khởi - bản Hoa Mai với mô hình trồng cây ăn quả và vườn cây giống, cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng.

Năm 2011, trên diện tích đất sẵn có của gia đình, anh Khởi tập trung trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày với cây cà phê nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn. Năm 2012, anh đã chuyển một phần diện tích đất đồi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Anh đã đầu tư từng bước vào trồng các loại cây như cam đường V1, V2, bưởi da xanh, bưởi diễn, chanh đào…, mỗi năm anh lại trồng tăng thêm diện tích. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc chọn giống và canh tác nên vườn cây của anh sinh trưởng không tốt, nhiều cây bị bệnh phải chặt bỏ, cây cam ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp và chất lượng quả không cao. Không nản lòng cùng việc rút kinh nghiệm từ những năm trước anh Khởi vẫn miệt mài học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu, tự tay chăm sóc, tỉa cành, bón phân đầy đủ cho cây.

Ảnh: Anh Đỗ Xuân Khởi đang kiểm tra quá trình phát triển của vườn bưởi

Anh Khởi cho biết: “Muốn trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế phải biết đầu tư, tự học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc. Bởi vậy, khi quyết tâm chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, bản thân tôi đã không ngại khó khăn, vất vả lặn lội đến những vùng trồng cây ăn quả các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm...”. Sau khi đã nắm chắc được phương pháp, anh đã quyết tâm đầu tư toàn bộ số vốn của gia đình vào phát triển trồng cây ăn quả, tính đến nay trên diện tích 1,5 ha cây ăn quả của anh đã có trên 3.000 gốc cam sành, 2.000 gốc chanh đào, bưởi da xanh, cam V2… Nhờ áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc mà diện tích cây ăn quả của gia đình anh Khởi đều sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, bình quân sản lượng mỗi năm đạt 35 - 40 tấn quả các loại, thu về từ 350 - 400 triệu đồng, anh dự kiến năm nay vườn cam quýt, bưởi da xanh của gia đình anh còn có thể thu về tiền tỷ nếu thời tiết thuận lợi.

Ảnh: Cây bưởi sai trĩu quả của gia đình anh Khởi

Không giữ riêng kiến thức, kinh nghiệm cho mình, anh Khởi luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ các hội viên nông dân khác trong và ngoài xã khi có nhu cầu thay thế các loại cây hiệu quả kinh tế thấp bằng cây ăn quả. Những gia đình hội viên có nhu cầu về cây giống, anh Khởi đã đi đến tận Hưng Yên chọn mua cây giống có chất lượng tốt đồng thời hướng dẫn cách trồng và chăm sóc để cho quả có chất lượng cao nhất. Anh cũng tiến hành nhân giống để cung cấp cho hội viên nông dân trong xã, mỗi cây giống giá bán từ 30 - 35 ngàn đồng, đến nay vườn giống của gia đình anh có trên 5000 cây bưởi da xanh, bưởi diễn, cam, bơ các loại… Năm 2017 riêng vườn cây giống của gia đình anh cũng cho thu nhập thêm trên 200 triệu đồng.

Nhờ tích cực, chăm chỉ và nhạy bén với thị trường, mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đã giúp gia đình anh Khởi ổn định cuộc sống, xây dựng nhà và mua sắm được nhiều tài sản có giá trị. Đây là một tấm gương hội viên nông dân vượt khó vươn lên đáng trân trọng và cần được nhân rộng./.

Tuấn Anh – Hội Nông dân tỉnh