Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu đục quả xoài

Cập nhật: 22-12-2017 02:36:35
Lượt xem:
Trong những năm gần đây, cây xoài được quan tâm phát triển và trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, theo niên giám thống kê tỉnh Sơn La, đến năm 2016, diện tích trồng xoài trên địa bàn tỉnh đạt gần 4000ha và được trồng chủ yếu ở các huyện ở các huyện có khí hậu tời tiết tương đối nóng như: Yên Châu, Mường La, Sông Mã, Mai Sơn. Diện tích tăng cao cùng với phương thức canh tác lạc hậu làm cho tình hình sâu bệnh hại ngày càng phát triển, gây hại nghiêm trọng ở các vùng trồng xoài ở Sơn La.

Trước thực tế đó, Tiến sĩ Vũ Quang Giảng – Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu đục quả xoài tỉnh Sơn La”, nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu đục quả xoài phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác tại tỉnh Sơn La, giảm thiểu tác hại của các loài sâu đục quả xoài, đảm bảo an toàn cho sản phẩm, nâng cao giá trị thương phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng xoài và bảo vệ - phát triển sản xuất cây xoài theo hướng an toàn, bền vững tại tỉnh Sơn La.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

          Quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu đục quả xoài được phổ biến và áp dụng cho những khu vực trồng xoài của tỉnh Sơn La và những  khu vực khác của vùng Tây Bắc có điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết, kinh tế-xã hội tương tự như tỉnh Sơn La.

III. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, PHƯƠNG THỨC PHÁT TÁN GÂY HẠI CỦA CÁC LOÀI SÂU ĐỤC QUẢ XOÀI

1. Đặc điểm hình thái

a) Bọ Vòi voi đục quả xoài (Stenochetus frigidusFabricius)

Trưởng thành Bọ Vòi voi đục quả xoài lúc mới vũ hóa màu nâu nhạt sau chuyển thành màu nâu tối, bề mặt da xù xì; cánh trước cứng màu nâu đen có xen những vết màu nâu sáng; miệng kéo dài thành vòi, chiều dài vòi khoảng 1,5 mm;  bụng có 4 đường ngấn lõm chạy theo chiều ngang của bụng. Bình thường vòi cụp xuống phần dưới của ngực. Chiều dài cơ thể (không tính vòi) từ 5,5mm -  6 mm, chiều rộng cơ thể là 3,4mm -  3,5 mm (hình 1, 2).

Sâu non của Bọ Vòi voi đục quả xoài khi lấy ra ngoài quả chúng cuốn hình chữ C, có 5 tuổi, màu trắng sữa, mập, đẫy sức dài khoảng 10- 11 mm, rộng  2,9- 3mm, đầu màu nâu (hình 3).

Nhộng có thể màu trắng bóng, có 2 mắt đen lộ rõ; mầm chân, mầm cánh, vòi nhìn thấy rõ; chiều dài cơ thể  từ 6,9- 7,1 mm, chiều rộng 3,9 - 4 mm (hình 4).

b) Ruồi đục quả xoài(Bactrocera dorsalis Hendel)

Trưởng thành dài 7-9 mm, nhìn nhỏ hơn con ruồi nhà một chút, màu vàng, giữa phần ngực và vụng có eo thắt, lưng ngực màu vàng nâu, có 3 vạch màng vàng sáng, tạo thành hình chữ U. Phần bụng tròn, ở con cái có ống đẻ trứng khá dài, nhìn bề ngoài chúng có vẻ giống con ong hơn là con ruồi nhà, cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen, lưng bụng có sọc đen, chân màu vàng (hình 5).Trứng rất nhỏ, dài 1mm,màu trắng ngà, sắp nở có màu vàng nhạt. Ấu trùng thuộc dạng dòi không chân, màu trắng khi mới nở và màu vàng rơm khi đẫy sức hình ống dài, phần cuối thân phình to, có nhiều đốt, màu trắng ngà hoặc hơi hồng, và không có chân (hình 6).Nhộng dài 5-7 mm. Mới hóa nhộng có màu vàng nâu, sắp hóa trưởng thành có màu nâu đỏ (hình 7).

c) Sâu  đục hạt xoài(Deanolis albizonalisHampson)

Con trưởng thành là một loàingài, sải cánh rộng đến gần 3cm, thân mình mầu nâu đỏ, có khoang trắng, đỏ xen kẽ. Cánh trước mầu nâu, cánh sau mầu xám trắng (hình 8). Trứng hình bầu dục, có màu trắng sáp. Sâu non thân mình khoang trắng, khoang đỏ xen kẽ (hình 9). Nhộng dài khoảng 1-1,2 cm, mầu vàng nhạt hoặc vàng nâu.

2. Tập tính sống và đặc điểm gây hại

a) Bọ Vòi voi đục quả xoài (Stenochetus frigidusFabricius)

Trưởng thành, khi mới vũ hóa, thân mình còn mềm yếu, sau đó cơ thể cứng hơn. Trưởng thành vẫn nằm trong lỗ đục ở thịt quả một thời gian. Sau đó chúng đục lỗ chui ra ngoài. Trưởng thành có thời gian sống rất dài, có khả năng sống qua đông sang vụ sau gây hại. Vị trí qua đông ở trên các kẽ nứt của cây, hoặc khe nứt dưới đất. Ở Sơn La, sau khi ngủ qua đông đến khoảng giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Bọ Vòi voi bắt đầu di chuyển lên cây đẻ trứng trên quả non khi quả có đường kính khoảng từ 0,8-1,1 mm trở lên. Trứng được đẻ đơn lẻ trên vỏ quả, thường ở phần phía dưới quả; sau khi đẻ trứng, trưởng thành tiết dịch dính màu đen bao phủ trứng. Lớp dịch này tạo thành vỏ đệm bảo vệ trứng trông giống hạt vừng đen (hình 10).

Sâu non của Bọ Vòi voi ăn và phát triển trong quả xoài nhưng không để lại dấu vết trên vỏ quả. Khi mới nở, sâu non đục sâu vào trong quả, ăn thịt quả và phát triển trong đó. Sâu non tuổi lớn phàm ăn và thường đục một đường ống có đường kính khoảng 1 cm phần tiếp giáp giữa hạt và thịt quả (hình 11). Chúng ở trong lỗ đục đến khi phân sâu lấp đầy; khi đó chúng chuyển hướng đục tạo thành các khoang hoặc các lỗ chuẩn bị hóa nhộng. Nhộng nằm trong quả, nơi mà sâu non tuổi cuối đã đục từ trước, nhộng có thể cử động được.

b) Ruồi đục quả xoài(Bactrocera dorsalis Hendel)

Ruồi đục quả thường xuất hiện vào lúc trời mát, hoặc những ngày mát mẻ. Ruồi vàng có khứu giác rất phát triển, chúng phát được trái chín từ khá xa để bay đến. Con cái có chất dẫn dụ giới tính khá mạnh, nên có khả năng thu hút được con đực từ rất xa.Con cái dùng râu để chọn những trái xoài sắp chín rồi dùng ống đẻ trứng chích vỏ trái đẻ trứng vào lớp dưới vỏ  trái. Sau khi nở, dòi đục ăn phần thịt quả, càng lớn dòi càng đục sâu vào giữa quả làm phần bị hại thối rữa và loang dần ra xung quanh, có thể bắt gặp nhiều con dòi sinh sống và gây hại trong cùng một quả. Khi đẫy sức dòi chui ra ngoài rồi cong mình bật văng rơi xuống đất để hoá nhộng trong đất.Nhộng nằm trong kén đất không thấm nước. Sau khi vũ hoá con trưởng thành (ruồi) chui lên khỏi mặt đất, bay đi bắt cặp tạo thế hệ mới. Ruồi đục quả thường gây hại từ khi quả già sắp chín trở đi. Ngoài gây hại trên xoài Ruồi đục quả còn gây hại trên rất nhiều loại cây trồng khác như ổi, đu đủ, táo ta, mận hậu vv...

c) Sâu  đục hạt xoài(Deanolis albizonalisHampson)

Sâu chủ yếu gây hại khi xoài còn non, hạt còn mềm và kéo dài đến khi thu hoạch, dấu hiệu dự báo sâu đục hạt là trong vườn có nhiều xoài non rụng trên mặt đất, cắt ra thấy có sâu bên trong, nếu xoài lớn còn treo trên cây nhưng chóp quả bị thối nhũn.

Con ngài thường hoạt động về đêm, ban ngày trốn dưới lá cây. Ngài cái đẻ trứng gần cuống hoặc trong các khe nứt trên quả, nhất là những quả bị khuất ánh sáng. Sau khi nở, sâu non di chuyển xuống chóp quả và bắt đầu đục vào trong. Sâu tuổi nhỏ chỉ đục phần thịt quả. Sâu tuổi lớn đục vào hạt sâu bên trong (hình 12), sau đó chúng di chuyển sang quả khác, nên có khi cả chùm 4 - 5 quả đều bị sâu hại. Đẫy sức, sâu non buông mình chui xuống đất hóa nhộng. Khi quả bị sâu đục vào ban đêm, sáng hôm sau có thể thấy dịch lỏng tiết ra từ vết đục, vết đục sau đó khô thành chấm đen. Vết sâu đục tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển, khiến phần thịt ở chóp quả bị thối, nhũn (hình 13). Trong 1 quả thường có 4 - 5 sâu gây hại.

3. Phương thức phát tán của các loài sâu đục quả xoài

          Sâu đục quả xoài phát tán, lây lan qua nhiều con đường:

          - Bọ Vòi voi đục quả xoài và Ruồi đục quả phát tán qua quá trình giao thương vận chuyển sản phẩm xoài tươi từ vùng này sang vùng khác.

          - Ruồi đục quả và trưởng thành của sâu đục hạt xoài có thể bay khỏe, nên chúng có khả năng phát tán rộng. Riêng Bọ Vòi voi đục quả xoài có thể bay được nhưng kém hơn Ruồi đục quả và trưởng thành của sâu đục hạt.

          - Ruồi đục quả, Sâu đục quả xoài và Bọ Vòi voi đục quả xoài phát tán từ nguồn sâu tồn tại trên những quả nhiễm sâu rơi rụng trên vườn.

          - Bọ Vòi voi đục quả xoài còn qua đông trong kẽ nứt của đất và kẽ nứt của vỏ cây là nguồn sâu đầu tiên cho vụ xoài tiếp theo.

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Các loài sâu đục quả xoài rất khó phòng trừ bằng biện pháp đơn lẻ do trưởng thành có khả năng bay, di chuyển rất nhanh. Vì vậy cần phải sử dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phòng trừ chúng, bao gồm:

- Sử dụng biện pháp tỉa cành, tạo tán làm cho vườn thông thoáng. Ngay sau khi thu hoạch xoài (tháng 7 – tháng 8) tiến hành tỉa cành như sau:

+ Tỉa cành la gần mặt đất;

+ Tỉa cành tăm, cànhbị sâu, bệnh hại;

+ Tỉa cành mọc ngược trong tán hoặc cành vượt;

- Bón phân cân đối, tăng sức chống chịu với sâu hại:

+ Sau khi thu hoạch quả, bón mỗi cây 15-20 kg phân chuồng, 2 kg N: P: K (22: 5:10), 1 kg vôi bột;

+ Trước lúc ra hoa, khi đợt lộc thứ 2 chuyển màu xanh nõn chuối bón thêm 1 kg N: P: K (22: 5:10);

+ Khi mới đậu quả (quả dạng trứng cá) phun thêm phân bón lá.

Cách bón phân: đào hố theo hình chiếu tán sâu 30 cm rộng 30 cm. rải phân xuống hố và lấp đất.

 - Làm cỏ xới xáo vườn xoài để tiêu diệt nhộng của Ruồi đục quả và Sâu đục hạt, diệt trưởng thành của Bọ vòi voi đục quả xoài.

- Thu dọn tàn dư trên vườn xoài:

 Thu gom các quả rơi rụng, đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn sâu còn tồn tại trong các quả rụng. Chú ý tiêu hủy bằng cách ngâm quả xoài rơi rụng trong bề có chứa nước vôi 1%. Không chôn dưới đất vì Bọ Vòi voi có sức sống rất cao, có thể đục lỗ chui lên khỏi mặt đất.

- Thăm vườn và điều tra thường xuyên để phát hiện các loài sâu đục quả khi chúng bắt đầu gây hại để chủ động phòng trừ.

- Sử dụng biện pháp bao quả bằng túi bao chuyên dụng. Bao quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao giá trị thương phẩm đối với các giống xoài Úc và xoài Đài Loan ở Sơn La vì các giống xoài này có đặc điểm cây thấp, quả to, dễ bao quả, chi phí hợp lý. Tuy nhiên, đối với giống xoài địa phương (xoài Tròn và xoài Hôi) cây quá cao, quả quá nhỏ, chi phí công và kinh phí bao quả cao, cần cân đối giữa chi phí đầu tư và thu nhập trước khi áp dụng biện pháp bao quả. Thời điểm bao quả cần thực hiện trước lúc Bọ Vòi voi đục quả xoài bắt đầu phát sinh gây hại, khi quả xoài có đường kính 0,8 cm. Có thể bao quả muộn hơn vào lúc quả xoài to bằng quả trứng gà nếu như sử dụng thuốc trừ sâu trước khi bao quả.

- Sử dụng một số loại thuốc trừ sâu Chess 50WG, Match 50EC, Angun 5WG nồng độ 0,1% phun kép 2 lần cách nhau 10 ngày. Lần 1 phun khi quả nhỏ dưới 0,8cm, lần 2 cách lần 1 là 10 ngày.

- Hạn chế giao thương các lô sản phẩm  bị nhiễm Bọ Vòi voi đục quả xoài từ vùng này sang vùng khác.

- Quét vôi thân cây xoài sau khi thu hoạch để phá vỡ nơi trú ngụ của Bọ Vòi voi đục quả xoài.

- Dùng bẫy Pheromol như Metyl Eugenol thu hút và tiêu diệt trưởng thành đực của ruồi đục quả hoặc dùng bẫy Protein hấp dẫn và tiêu diệt trưởng thành cái của ruồi đục quả. Chú ý đặt bẫy trên diện rộng để thu hút ruồi, không nên đặt bẫy trên diện hẹp vì điều đó hấp dẫn ruồi nơi khác đến gây hại.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần tổ chức hướng dẫn phổ biến quy trình kỹ thuật tới nông dân, các hội viên Hội xoài, các Hợp tác xã trồng xoài. Tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ sâu đục quả xoài cho cán bộ khuyến nông xã, bản vùng trồng xoài trọng điểm

Đảm bảo mối liên kết thông tin về tình hình phát sinh của sâu đục quả xoài giữa nông dân với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn để lựa chọn biện pháp phòng trừ tối ưu trong quy trình.

                                                         Phòng Thông tin KH&CN - Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Sơn La