Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên nông dân xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu

Cập nhật: 14-11-2017 02:48:50
Lượt xem:
Trong những năm qua, phong trào hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên xoá đói, giảm nghèo đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Mộc Châu. Từ các mô hình phát triển kinh tế đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình hội viên Vũ Thị Chiêm ở tiểu khu 30.4, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu là một điển hình như thế.

Năm 2001, chị xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng, tài sản ban đầu có một ngôi nhà tạm và 3 ha đất vườn đồi. Cũng như nhiều gia đình thuần nông khác của địa phương, chị bắt tay vào làm kinh tế với các mô hình chăn nuôi lợn, gà, trồng ngô, dong đơn thuần nên thu nhập còn bấp bênh. Được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chị Chiêm đã quyết tâm tìm hướng thoát nghèo và vươn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau nhiều trăn trở, chị đã bàn với chồng đầu tư tất cả vốn hiện có để trồng bưởi, một loại cây trồng  phù hợp với thổ nhưỡng và đang cho giá trị kinh tế cao tại địa phương.

Ảnh: Vườn bưởi của gia đình chị Vũ Thị Chiêm

Chị Chiêm đã trồng các giống bưởi Diễn, bưởi da xanh và bưởi của địa phương. Sau một thời gian chăm sóc, vườn cây nhà chị đã đến ngày ra hoa kết trái. Nhưng không đơn giản như chị nghĩ, bưởi ra quả nhưng rụng nhiều, không đậu quả hoặc ra quả nhưng không đều, chất lượng thấp khó bán ra thị trường. Không nản chí trước những khó khăn, xác định được nguyên nhân chính là gia đình chị còn thiếu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bưởi. Vì vậy,chị đã tích cực tham gia đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm  sản xuất của các gia đình trong và ngoài huyện hiện đang có các mô hình trồng cây bưởi có hiệu quả; đồng thời tìm tòi qua sách báo và các phương tiện truyền thông để học hỏi kỹ thuất làm vườn. Bên cạnh đó, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi do các cấp Hội Nông dân và các ngành tổ chức…

Từ những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được, chị đã áp dụng để trồng và chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Nhờ vậy, những năm sau vườn cây của gia đình chị đã ra trĩu quả, quả đều, đẹp mắt, bưởi ăn ngọt có vị đặc trưng của vùng vì thế được thị trường chấp nhận.  Năm 2012, có thêm vốn gia đình chị đã trồng một số cây ăn quả khác như bơ, cam, nhãn, xoài. Đến nay gia đình chị đã có 250 câybưởi các loại cùng với 50 cây bơ, 50 cây nhãn...

Với mô hình trồng cây ăn quả, từ năm 2012 đến nay, thu nhập của gia đình chị ổn định, năm sau cao hơn năm trước, bình quân trừ chi phí gia đình chị thu nhập 250 triệu đồng/1 năm.  Nhờ có thu nhập cao, gia đình chị đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, trong  nhà đã mua sắm được đầy đủ các đồ dùng,vật dụng và nội thất gia đình.

Cùng với phát triển sản xuất, bản thân chị luôn ý thức được cần phải có tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình hội viên nông dân nghèo vượt khó đi lên. Hàng năm, gia đình chị tạo việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ; thu nhập 3 triệu đồng/1 người/1 tháng; giúp đỡ về giống cho 05 hộ gia đình, phổ biến khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho 20 hộ gia đình tại địa phương. Bên cạnh đó, gia đình chị luôn tích cực tham gia vào các phong trào  thi đua do Hội Nông dân phát động; tích cực tham gia và vận động các hộ hội viên khác tại địa phương cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Chị Chiêm chia sẻ: “Thành công chỉ đến khi mỗi người có niềm tin, đam mê học hỏi và chăm chỉ làm việc. Với tôi, để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng của bản thân và gia đình là nhờ có chủ trương đúng đắn trong chỉ đạo phát triển kinh tế của cấp ủy và chính quyền địa phương, cùng sự đồng hành của tổ chức Hội Nông dân các cấp đối với Hội viên nông dân trong nhiều năm qua”./.

Tuấn Anh - Hội Nông dân tỉnh