Đường dây nóng: 02123.852.033
Không có video - Upload lại link
LIÊN KẾT HỮU ICH
Online:
Hôm nay:
Hôm qua:
Tổng số:

Giới thiệu một số kỹ thuật chăn nuôi gà đen H’Mông

Cập nhật: 21-06-2017 10:10:37
Lượt xem:
Gà đen H’Mông có đặc điểm nổi bật nhất là xương đen, thịt đen, phủ tạng đen và da ngăm đen, chân đen. Với những giá trị quý về dinh dưỡng và dược liệu nên gà đen H’Mông được quan tâm bảo tồn và phát triển.

         Theo chương trình đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển giống gà đen H’Mông tại tỉnh Sơn La”, giống gà này đã được thu mua từ các bản làng H’Mông về nuôi bảo tồn tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Tây Bắc. Dựa trên các tài liệu về Quy trình chăn nuôi gà đã được công nhận và từ kết quả nghiên cứu chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật chăn nuôi gà H’Mông như sau:

1. Yêu cầu chung về chuồng trại nuôi gà đen H’Mông

- Vị trí làm chuồng: nơi cao ráo, dễ thoát nước, thoáng mát, cách các khu nuôi ngan, vịt, lợn, trâu, bò để tránh nhiễm bệnh từ vật nuôi khác.

- Chuồng có thể làm dạng sát đất hoặc dạng sàn, được quây xung quanh và che mái ở trên. Sàn cách mặt đất 50 – 60 cm. Trung bình khoảng 15 – 20 con gà thì cần có 1 m2 chuồng sàn. Chuồng cần đảm bảo khi mưa gió kéo dài có thể nhốt gà không thả ra ngoài để hạn chế bệnh dịch do thời tiết bất lợi. Chuồng có mái hiên đua ra 1 – 1,2 mét để hạn chế lượng ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu nền chuồng sát mặt đất thì có thể láng xi măng hoặc gạch phẳng có độ dốc 3 – 5Oc để dễ vệ sinh. Chuồng gà được thiết kế để giữ ấm về mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.  

2. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng nuôi

         Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi đưa gà vào nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch. Nếu là chuồng xây thì tường, nền được quét nước vôi đặc nồng độ 40%. Sau đó để khô phun thuốc sát trùng ngay và trước khi thả gà vào nuôi 1 – 2 ngày phun lại một lần nữa. Khi phun thuốc xong, đóng kín cửa chuồng gà lại khoảng 5h mới mở cửa chuồng ra cho thông thoáng bay hết mùi thuốc sát trùng rồi mới thả gà.

+ Chụp sưởi và quây úm gà:

         Để làm quây úm gà, ta dùng các tấm cót kích thước dài khoảng 2m x 0,6m x 0,6m hoặc bạt, bao tải dứa quây nối nhau thành một vòng tròn. Quây úm cao khoảng 50 – 60 cm. Bên trong quây úm có treo bóng điện và cần trải một lớp trấu, phôi bào dầy khoảng 5 – 7cm để giữ ấm cho gà con. Trấu cần phải sạch, phơi khô, được phun khử trùng hoặc phơi nắng 2-3 ngày liên tục để diệt khuẩn.

Quây này dùng để úm gà con trong 14 - 28 ngày đầu, nếu có điều kiện thì có thể nuôi úm gà hết 56 ngày tuổi mới thả dần ra ngoài.

3. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gà qua các giai đoạn

* Chăm sóc giai đoạn gà con từ 0 - 6 tuần tuổi

+ Giai đoạn quây úm gà con sử dụng cót cao 50cm, quây tròn có đường kính khoảng  1,5m – 2m. Một quây như vậy có thể úm 100 – 200 con gà.

+ Gà con cần chiếu sáng 24/24h trong 3 tuần đầu. Từ 4- 6 tuần tuần giảm thời gian chiếu sáng đến 16h.

Khung nhiệt sưởi ấm cho gà như sau:

+ Thức ăn: có thể cho ăn cám viên nén dạng mảnh, tỷ lệ đạm 19 – 21% trong 42 ngày đầu, sau đó có thể phối trộn cám ngô, cám gạo với cám đậm đặc. Gà mới nở cần được uống nước ấm 2 – 3 giờ thì mới cho ăn. Chỉ nên cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, thay mới khoảng 2h/lần.

+ Nước uống: sử dụng chụp nước bằng nhựa mỗi ô chuồng 50 con gà H’mông cho 1,5 - 2 lít /50 con. Nên cho gà uống thêm thuốc úm được bán tại hiệu thuốc thú y để phòng bệnh.

+ Chuồng úm gà con phải che kín, sau đó nới rộng quây theo sự phát triển của gà.

* Nuôi gà dò, hậu bị (7 - 20 tuần tuổi)

+ Giai đoạn này tỷ lệ trống/mái khoảng 1/7 hoặc 1/8 đối với đàn gà nuôi để sinh sản làm giống.

+ Gà sinh sản cần cho ăn hạn chế theo bữa từ  tuần tuổi thứ 10 và khống chế lượng thức ăn để gà giữ vóc dáng trung bình, không để gà béo quá hoặc gầy quá.

+ Đối với gà thương phẩm thì cho gà ăn theo bữa nhưng ăn theo nhu cầu.

+ Mật độ nuôi nuôi từ 8-10 gà/m2

+ Thời gian chiếu sáng: từ tuần thứ 7 trở đi  lợi dụng ánh sáng tự nhiên.

+ Giai đoạn này liên quan đến khả năng đẻ trứng của gà do vậy cần thực hiện nghiêm chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để đảm bảo đàn giống duy trì sức khỏe tốt, mức độ đồng đều cao.

+  Gà từ 7-13 tuần tuổi: cho ăn khống chế 3 bữa một ngày

+ Gà từ 13-20 tuần tuổi: cho ăn hạn chế lượng thức ăn

+ Nước uống từ gà dò hậu bị và sinh sản 4 - 8 lít/50 con

+ Đối với gà thương phẩm có thể cho ăn tự do theo nhu cầu để tăng trọng nhanh.

 

* Kỹ thuật nuôi dưỡng gà đẻ từ 21 tuần trở đi

- Mật độ nuôi đảm bảo từ  4 - 5con/ m2 chuồng nền.

- Từ tuần tuổi thứ 20, bình quân mỗi tuần tăng thêm 1giờ  chiếu sáng để đạt được 14 giờ trong ngày. Duy trì cố định thời gian chiếu sáng.

- Cần làm ổ đẻ trong chuồng cho gà hoặc ở vị trí cao ráo, trong ổ lót trấu, rơm sạch.  

- Chuồng nuôi để thông thoáng và tránh gió lùa trực tiếp vào chuồng.

- Từ tuần tuổi thứ 20 chuyển thức ăn sang dạng thức ăn gà đẻ. Khi gà đẻ đạt tỷ lệ 5% thì tăng mức ăn (tăng dần) và đạt mức ăn cao nhất tại thời điểm đẻ đạt tỷ lệ 40%, 50%, giữ nguyên mức ăn này suốt thời gian đạt đỉnh đẻ. Sau đó, gà bắt đầu đẻ xuống thì mức ăn cũng giảm theo.

- Cho gà uống nước sạch, hàng ngày vệ sinh máng uống.

-  Chất độn được khử trùng và thay thường xuyên khi bị ướt, bẩn.

                                                                                                   

4.  Phòng bệnh đối với đàn gà H’mông

Để nuôi gà H’Mông được tốt, cần đảm bảo thực hiện phòng bệnh cho gà bằng thuốc và vaccine theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Đức Lũng, Lê Hồng Mận (2003) , Chăn nuôi gà công nghiệp và gà lông màu thả vườn. Nxb Nghệ An, Nghệ An.

2. Lê Hồng Mận (2008), Nuôi gà và phòng chữa bệnh cho gà ở gia đình,  Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

3. Hoàng Văn Tiệu (2008), Kĩ thuật nuôi giữ quỹ gen một số động vật quý hiếm, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội

Tác giả: ThS. Vũ Thị Đức, ThS. Vũ Thị Thảo, BSTY.Nguyễn Thị Quyên